Tin tức xã hội

Kiến thiết hạ tầng để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại (18/11/2016 - 874 lượt xem)

Xây dựng giao thông toàn diện
 
Với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành một trong những đô thị hiện đại, biểu tượng phát triển trong tiến trình hội nhập quốc tế, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành đề ra nhiều Chương trình, Kế hoạch phát triển toàn diện hạ tầng giao thông, xây dựng cho Thủ đô mạng lưới “huyết mạch” khỏe khoắn, kết nối trái tim của cả nước với mọi vùng miền và vươn ra thế giới. 5 năm qua, hàng chục tuyến cao tốc, QL, trục hướng tâm, đường vành đai đã được xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng và ngay lập tức phát huy vai trò chiến lược. Các tuyến QL32, QL1A, QL5, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai… đã rút ngắn hành trình, thu hẹp khoảng cách giữa Thủ đô với các khu vực Đông Bắc, Tây Bắc, duyên hải xuống còn một nửa. Trên những cung đường chiến lược đó, nhiều công trình đã trở thành biểu tượng đổi mới, phát triển của cả nước như cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù… Lợi ích thiết thực của những tuyến đường, cây cầu đó đâu chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của TP và cả nước, nó còn là điểm tựa, là biểu trưng của một Thủ đô văn minh, hiện đại, niềm tự hào của người Hà Nội.
 
 
Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Chiến Công
 
Bên trong “cơ thể” của Hà Nội, những “huyết mạch” cũng đang chuyển mình mạnh mẽ từng ngày, kết nối để tạo nên một TP với sức mạnh nội tại to lớn, diện mạo khang trang, hiện đại, văn minh. Cách đây chỉ vài năm, ít ai có thể hình dung ra một Hà Nội với những tuyến đường Vành đai 1, 2, 3 trên cao bao quanh TP; hay những con đường Tố Hữu, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Huyên… thênh thang sáng đẹp. 5 năm qua, Hà Nội đã xây dựng được 7 cây cầu vượt thép bắc qua những nút giao chật chội đến ngột ngạt, sắp hoàn thành thêm các hầm chui Thanh Xuân, Trung Hòa, lắp đặt 12 cầu đi bộ. Hệ thống hạ tầng giao thông đang dần hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của cư dân đô thị. Ngoài ra, TP còn không quên xây dựng, nâng cấp hàng vạn km đường giao thông tại các vùng nông thôn, ngoại thành. Đến nay 100% các tuyến đường liên xã, trục xã với hàng vạn km đã được cứng hóa, trải nhựa, thảm bê tông đạt tiêu chuẩn quốc gia, góp phần đưa Hà Nội dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.
 
Phát triển nhiều loại hình vận tải
 
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, hiện nay các loại hình vận tải đường sắt, đường thủy còn đang trong quá trình xây dựng, chưa phát triển xứng tầm với tốc độ đô thị hóa của Thủ đô. Hà Nội hiện có tới 300km đường sông, hơn 300 hồ lớn nhỏ với hàng trăm bến bãi thủy nội địa, nhưng việc phát triển loại hình vận tải này đến một mức độ có thể đáp ứng được yêu cầu chia sẻ áp lực với giao thông đường bộ còn cần nhiều thời gian hơn nữa. Cùng với đường thủy, đường sắt cũng đang trên “bệ phóng”, chuẩn bị tham gia vào quỹ đạo giao thông của TP. Những tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông… sắp cán đích trong sự kỳ vọng lớn lao của chính quyền, Nhân dân toàn TP. Hà Nội sẵn có khoản “vốn liếng” nhân sự, kinh nghiệm vận hành không hề nhỏ với một mạng lưới đường sắt lâu đời, trải rộng, kết nối đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhiệm vụ bây giờ chính là làm sao tận dụng được khoản vốn đó để phát triển mạnh mẽ loại hình vận tải đường sắt, mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống Nhân dân.
 
Cũng theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, hiện Hà Nội có 91 tuyến xe buýt, mỗi năm đã chuyên chở được gần 750 triệu lượt hành khách, bước sang năm 2016 và xa hơn nữa, các tuyến buýt BRT, đường sắt đô thị đi vào hoạt động sẽ giúp nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng của TP. Cùng với đó, các công trình hạ tầng đường sá, cầu, hầm sẽ dần hoàn thành, khi được đưa vào sử dụng sẽ thực sự biến Hà Nội thành một đô thị hiện đại, đáng sống của cả nước cũng như trong khu vực.
 
Để tiếp tục xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng to đẹp, văn minh hiện đại trong thời gian tới TP cần quan tâm đến việc chỉnh trang quy hoạch, xây dựng ý thức trong Nhân dân để sự phát triển phải được bền vững, ổn định. Hiện nay tốc độ đô thị của Hà Nội đang cao hơn tốc độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng giao thông; kế hoạch di dời một số trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất… ra ngoại ô còn dang dở; một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa có ý thức xây dựng văn hóa giao thông văn minh tiến bộ. Để Thủ đô không chậm đà phát triển, sớm hoàn thành mục tiêu trở thành TP văn minh, hiện đại, biểu tượng phát triển của cả nước rất cần sự kiên trì, đồng thuận của các cấp ngành chính quyền cùng toàn thể Nhân dân Hà Nội.

 
Your name
Your email
Friend's email
Mail Subject
Content

Các tin tức khác

Huy động các nguồn lực xây dựng hạ tầng Thủ đô đồng bộ, hiện đại (18/11/2016)Quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị lớn (18/11/2016)