Tin tức xã hội

Huy động các nguồn lực xây dựng hạ tầng Thủ đô đồng bộ, hiện đại (18/11/2016 - 1497 lượt xem)


 

Trong nhiệm kỳ 2011- 2015, thành phố đã triển khai thực hiện hai chương trình công tác lớn xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, nâng cao chất lượng môi trường và đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị. Nhờ đó, nhiều công trình trọng điểm, công trình hạ tầng kỹ thuật khung đã được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, tốc độ phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phát triển chưa theo kịp tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị, trong khi dân số ngày càng tăng, dẫn đến hạ tầng đô thị bị quá tải. Người dân thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông, thiếu nước sinh hoạt, ngập úng khi mưa to, môi trường không khí bị ô nhiễm… Hiện trạng này không chỉ khiến cho diện mạo đô thị nhếch nhác, ảnh hưởng chất lượng sống của người dân, mà còn là yếu tố kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

Chính vì vậy, Thành ủy Hà Nội khóa 16 xác định phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2025-2020, và ban hành Chương trình số 06 về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại”, nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một đô thị xanh, văn minh, hiện đại, có bản sắc, môi trường được cải thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, bảo đảm kết nối Thủ đô với vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Bám sát tinh thần Nghị quyết lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16, Chương trình số 06 đề ra chín chỉ tiêu phấn đấu thực hiện. Trong đó có một số chỉ tiêu đáng chú ý như: tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt từ 20 đến 25%; diện tích đất dành cho giao thông tăng từ 0,3 đến 0,5% đất đô thị/năm, đưa tổng diện tích đất dành cho giao thông đạt từ 10 đến 13% đất đô thị. Tăng diện tích cây xanh. 100% các tuyến phố từ đường vành đai 3 vào trung tâm được hạ ngầm, sắp xếp các đường dây đi nổi, 100% số hộ dân được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn….

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, chương trình đề ra bốn nhiệm vụ trọng tâm và sáu nhóm giải pháp thực hiện. Trong đó có một số điểm đáng chú ý như, thành phố sẽ điều chỉnh các đồ án quy hoạch cho phù hợp thực tế, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch. Về giao thông, sẽ xây dựng các bến xe khách liên tỉnh mới, ưu tiên xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, đưa vào sử dụng hai tuyến dường sắt đô thị để giảm dần phương tiện giao thông cá nhân. Về cấp nước, sẽ triển khai một số nhà máy nước khai thác nước mặt, để bổ sung nguồn nước sinh hoạt cho các khu vực dân cư. Đối với công tác thoát nước, triển khai dự án cải tạo thoát nước lưu vực sông Nhuệ đồng thời với đầu tư hệ thống thoát nước khu vực quận Long Biên và quận Hà Đông. Để tăng diện tích cây xanh, vườn hoa, thành phố đã có kế hoạch trồng thêm một triệu cây xanh, mỗi phường, xã sẽ xây dựng ít nhất một điểm vui chơi diện tích từ 5.000m2 trở lên… Thành phố sẽ hoàn chỉnh các quy định về cấp phép xây dựng, tiến tới tất cả các công trình trong đô thị và các khu vực nông thôn đã có quy hoạch phân khu phải được cấp phép xây dựng 100%, hoàn thành công tác cấp sổ đỏ, đầu tư hệ thống quan trắc đánh giá ô nhiễm môi trường. Tập trung cải thiện diện tích nhà ở cho người dân, đưa diện tích nhà ở đô thị bình quân đạt 29m2 sàn/người, tăng số giường bệnh đạt 26,5 giường/mười nghìn dân….

Tại hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, Chương trình số 06 của Thành ủy cơ bản được thống nhất cao, đồng thời nhận được nhiều ý kiến tâm huyết. Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường đề xuất, thành phố phải nhanh chóng có đề án phát triển xe buýt, tăng số lượng xe buýt, tuyến xe buýt từ 1,5-2 lần so với hiện nay. Về công tác quy hoạch, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội Nguyễn Trúc Anh kiến nghị: Thành phố nên tập trung xây dựng công viên cây xanh kết hợp hồ điều hòa để tạo không gian, cảnh quan và chống úng ngập. Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị bổ sung, rà soát quy hoạch của từng chuyên ngành. Sau khi rà soát cần công bố công khai, minh bạch, để thu hút các nhà đầu tư. Về công tác quản lý đất đai, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Đức Vinh góp ý, cần thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt, các dự án chậm triển khai cần được kiên quyết thu hồi để tránh lãng phí. Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Vũ Cao Minh lưu ý đến việc cần giải quyết ngay là quy hoạch treo, mặt khác, quy hoạch cần dự báo được tình hình, tránh tình trạng quá tải về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật do sự phát triển đô thị quá nóng như hiện nay.

Trong số tám chương trình công tác của Thành ủy nhiệm kỳ này, Chương trình số 06 là một trong số những chương trình quan trọng nhất, bởi nó cụ thể hóa thực hiện một trong ba khâu đột phá của thành phố. Việc thực hiện thành công chương trình có tác động trực tiếp sự phát triển trước mắt và lâu dài của Thủ đô, đến đời sống nhân dân. Để thực hiện chương trình này, các ngành chức năng của thành phố sẽ triển khai 27 quy hoạch, đề án, kế hoạch chuyên ngành, hàng trăm dự án, công trình trên các lĩnh vực, với nguồn vốn ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong điều kiện nguồn thu ngân sách hạn hẹp, thành phố cần khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, nguồn lực, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư. Nhất là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và kiện toàn bộ máy, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết từ khâu quy hoạch, chuẩn bị đầu tư dự án, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân trong quá trình triển khai để hoàn thành các phần việc đúng tiến độ, đạt được mục tiêu của chương trình là hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đô thị hiện đại, tạo nền tảng để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.

 
Your name
Your email
Friend's email
Mail Subject
Content

Các tin tức khác

Kiến thiết hạ tầng để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại (18/11/2016)Quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị lớn (18/11/2016)